Thần chủ của Thăng Long
Tiếp tục quay lại chuyện vị Thần chủ của Thăng Long.
Truyện Lĩnh Nam chính quái và Việt Điện U linh chép rằng (vắn tắt) khi Cao Biền đi thuyền trên sông Tô Lịch thì thấy một vị thần hiện ra trên sông, rồi làm phép khiến sóng gió mù mịt mà biến mất. Lại lần nữa khi đang xây thành Đại La, Cao Biền đi ra phía đông thành, bỗng nhiên thấy mây khói mù mịt, trong đó có vị thần đang ngự, xung quanh âm nhạc nổi lên, Cao Biền kinh hãi ngã lăn. Đêm đó vị thần hiện ra báo mộng, xưng là "Long Đỗ chính khí Thần quân" của đất này đến xem xây thành, không việc gì phải sợ.
Vốn hay trấn yểm các quỷ thần, long mạch, Cao Biền dựng ngôi đền, làm tượng thần, lấy nghìn cân sắt để trấn yểm chỗ thần hiện ra. Bỗng nhiên trời nổi cuồng phong sấm, sét đánh nghìn cân sắt vụn ra thành tro bụi. Cao Biền kinh sợ lập đền thờ thần Long Đỗ và nói rằng "Ta phải về Bắc thôi". Sau này Biền bị vua nhà Đường gọi về và xử tội chết.
Thần Long Đỗ của Núi Nùng và thần sông Tô Lịch là một hay là hai? Đến nay đa số đều cho rằng chỉ là một vị, là Thần chủ của đất này; nhưng cũng có thuyết cho là hai vị thần.
Đến khi Lý Thái Tổ dời đô, tương truyền xây thành bị đổ mãi, bèn đến cầu ở đền thần Long Đỗ có từ thời Cao Biền, thì có con ngựa trắng chạy ra, xây thành theo vết chân ngựa thì mới không đổ. Bởi thế vua tôn là thần Bạch Mã. Hiện nay đền ở phố Hàng Buồm, là đền Trấn Đông nổi tiếng của Thăng Long.
Và Thần chủ Long Đỗ trở thành Thành hoàng của thành Thăng Long. Thần có rất nhiều tôn hiệu qua các triều đại:
- Quảng Lợi Bạch Mã Tối linh Thượng đẳng thần
- Quảng Lợi Thánh hựu Uy tế Phu ứng đại vương
- Long Đỗ Thần quân Bạch Mã Hựu chính Đại vương
- Đô phủ Thành hoàng Thần quân
- Bảo quốc Trấn linh Định bang Quốc đô Thăng Long Thành hoàng đại vương

Thăng Long
Người ta nói rất nhiều về truyền thuyết Lý Thái Tổ khi đi thuyền từ Hoa Lư (theo sông Hoàng Long, nối sang sông Đáy, Châu Giang ra sông Hồng rồi ngược lên Đại La), đã thấy Rồng hiện lên, mà đặt tên thành là Thăng Long.
Khi viết bài này, tôi có ý nghĩ thêm một chút.
Vùng đất này gắn với chữ Long từ lâu đời rồi. Trước đó bên kia sông là Long Uyên, tức vực rồng, (có thể do kiêng huý Đường Thái Tổ là Lý Uyên) rồi đổi sang Long Biên, nghĩa là rồng lượn xung quanh, và đất Long Đỗ là rốn rồng trên núi Nùng.
Như thế, trong hàng trăm năm, con Rồng đó vẫn bị giam hãm. Đầu tiên là nằm dưới vực sâu, sau lượn trên sông, cuối cùng lên đến núi là hết. Nhưng ngay cả khi là Long Đỗ, thì cũng bị Cao Biền xây cái thành Đại La - nghĩa là cái Lưới lớn - vây bọc xung quanh giam giữ. Con rồng thiêng ấy bao thế kỉ phải nằm yên.
Đến khi Lý Thái Tổ dời đô, đã phá bỏ cái lưới kia, mà cho con rồng bay lên, mà lên trời thực sự, và có một Thăng Long đến ngày nay.
Nguồn: https://www.phuot.vn/threads/lich-su-ke-chuyen-thang-long-ha-noi.6698/page-2#posts